Mộng thịt hay mộng mắt là bệnh lý rất dễ gặp phải ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh này thường liên quan đến các yếu tố về khí hậu, môi trường, chế độ sinh hoạt như: nắng gió, bụi bặm, ánh nắng mặt trời, ngủ quá muộn và ngủ không đủ giấc.
Mộng thịt không khó chữa nhưng nếu để trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thị lực và gây loạn thị.
Tỷ lệ người bị mộng thịt ở Việt Nam vào khoảng 5%
1. Khái niệm Mộng thịt
Mộng thịt hay mộng mắt là tình trạng một màng trắng bao phủ 1 phần giác mạc. Những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ dễ bị mộng thịt.
2. Cấu tạo mộng thịt
- Mộng thịt thực chất là một khối u nhỏ, có hình dạng màu hồng, hơi nhô lên.
- Mộng thường xuất hiện ở góc trong của mắt, một số ít sẽ xuất hiện ở vùng khe mi góc ngoài.
- Mộng mắt là tổn thương lành tính, phát triển chậm theo thời gian. Tuy nhiên nếu không điều trị dứt điểm sớm sẽ gây lấn sâu vào giác mạc, có thể che kín đồng tử ( con người) làm ảnh hưởng đến thị lực.
3. Dấu hiệu của mộng
- Mộng thịt gây co kéo, lắng đọng nước mắt,
- Có hiện tượng đỏ mắt, mờ mắt, ngứa mắt.
- Mắt bị khô và khó chịu như có vật lạ trong mắt.
4. Nguyên nhân gây mộng thịt
- Mộng thịt thường hình thành do yếu tố tác động của môi trường như: nhiệt độ, ánh sáng mặt trời, bụi bặm và chế độ sinh hoạt nhất là những nước có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới.
- Những người làm công việc ngoài trời nhiều, thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng và gió bụi, phấn hoa hoặc các chất gây kích ứng mắt.
5. Các giai đoạn của mộng thịt
Có 4 giai đoạn của mộng thịt:
- Mộng thịt độ I: Mộng mới đến rìa giác mạc
- Mộng thịt độ II: Mộng vào đến điểm giữa của khoảng cách từ rìa giác mạc đến bờ đồng tử
- Mộng thịt độ III: Mộng đã lan đến bờ đồng từ
- Mộng thịt độ IV: Mộng đã qua bờ đồng tử
6. Phương pháp điều trị mộng thịt
Phương pháp điều trị nội khoa trước kia không còn mang lại kết quả tích cực. Thay vì đó, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật “ Mộng ghép” dể loại bỏ mộng và tái tạo bề mặt nhãn cầu bình thường.
Phẫu thuật mộng ghép được thực hiện dựa vào cơ chế của tế bào gốc và lấy vị trí giác mạc vùng rìa chính xác để hạn chế tái phát.
Quy trình cắt mộng:
- Đặt vành mi bộc lộ nhãn cầu.
- Cắt kết mạc dọc theo 2 bên thân mộng.
- Cắt ngang đầu mộng:
+ Mộng nguyên phát hoặc mộng tái phát mà còn nhiều tổ chức kết mạc: Thực hiện cắt cách rìa 2 - 3 mm.
+Mộng dính nhiều: Thực hiện cắt sát đầu mộng chỗ bám vào giác mạc để tiết kiệm tổ chức kết mạc thân mộng.
- Phân tích tổ chức xơ mạch dưới kết mạc thân mộng. Quá trình phẫu tích phải được thực hiện sao cho phải tách thân mộng rời khỏi thân cơ trực phía dưới. Sau đó mới phẫu tích tổ chức xơ mạch thân mộng dưới kết mạc và toàn bộ khối xơ mạch, rồi cắt bỏ toàn bộ tổ chức xơ mạch.
- Cắt tổ chức thân mộng đến sát cục lệ, đốt cầm máu. Lưu ý không được đốt cháy củng mạc để tránh làm hoại tử.
- Gọt giác mạc. Sau đó phần mộng bám vào giác mạc cũng phải được gọt bằng dao tròn.
- Lấy kết mạc ghép từ rìa trên với diện tích tương đương vùng cần ghép, mà không làm thiếu kết mạc cùng đồ trên và khuâ mảnh ghép kết mạc.
7. Chăm sóc mắt sau khi mổ mộng thịt
Trong vòng 1 tháng sau phẫu thuật, bạn tuyệt đối tránh những việc sau đây:
- Va chạm mạnh vào vùng mắt, dụi mắt
- Làm việc nặng quá sức.
- Để nước xà phòng rơi vào mắt.
- Khói bụi, ánh nắng trực tiếp rọi vào mắt.
- Các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá.