Phẫu thuật Phaco là kỹ thuật hiện đại được Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương áp dụng trong điều trị bệnh đục thuỷ tinh thể (chứng mờ mắt). Mỗi năm, kỹ thuật Phaco giúp từ 7.000-10.000 người dân thoát khỏi căn bệnh này.

Nhân viên Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương thực hiện ca phẫu thuật thay thuỷ tinh thể nhân tạo bằng phương pháp phaco cho một bệnh nhân

Phẫu thuật Phaco hay phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể đục bằng siêu âm được Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương tiếp nhận chuyển giao từ Bệnh viện Mắt Trung ương. Kỹ thuật này được bệnh viện áp dụng rộng rãi trong những năm gần đây bởi những ưu điểm vượt trội so với các kỹ thuật cũ.

Bác sĩ Vũ Văn Khoại, Giám đốc Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương cho biết trước năm 1980, Việt Nam duy trì phương pháp "phẫu thuật trong bao" để điều trị căn bệnh trên. Các bác sĩ lấy toàn bộ thủy tinh đục qua đường rạch rộng bằng lực đẩy, không đặt thuỷ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, do đường rạch rộng nên kết quả hồi phục thị lực chậm, loạn thị sau phẫu thuật cao, nhiều nguy cơ bị viêm mủ nội nhãn và các tổn thương trầm trọng...

Phương pháp trên dần được thay thế bằng phương pháp lấy thể thủy tinh ngoài bao bằng kỹ thuật rửa hút chất nhân và đặt thể thủy tinh nhân tạo hậu phòngCác bác sĩ tạo đường hầm giác củng mạc dài 1/3 chu vi vùng rìa nhãn cầu, dùng dụng cụ lấy thủy tinh thể đục, rửa sạch và đưa thuỷ tinh thể nhân tạo vào rồi khâu lại. Đây là phương pháp giúp bệnh nhân đạt được thị giác tối đa. Tuy nhiên, vì có đường rạch rộng nên việc phục hồi thị giác phải kéo dài và khả năng loạn thị vẫn xảy ra sau phẫu thuật.

Thời gian thực hiện các ca đục thuỷ tinh thể bằng hai phương pháp trên kéo dài, dễ gây chảy máu, khiến bệnh nhân đau nhức mắt, mất vài tuần mới hồi phục và nguy cơ xảy ra biến chứng không ít.

Từ khi Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương triển khai mổ đục thuỷ tinh thể bằng kỹ thuật Phaco, những hạn chế trên đã được khắc phục. Với kỹ thuật này, bác sĩ chỉ cần rạch một đường nhỏ khoảng 2,8 mm ở vùng rìa giác mạc, đưa dụng cụ vào xé bao trước thủy tinh thể. Tiếp đến là sử dụng năng lượng sóng âm tán thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài, rửa sạch. Khâu cuối cùng là đặt vào đó một thủy tinh thể nhân tạo mềm, có khả năng cuộn nhỏ đi qua đường rạch giác mạc 2,8 mm.

Mỗi ca phẫu thuật bằng kỹ thuật Phaco chỉ kéo dài từ 7-10 phút. Kỹ thuật này an toàn, không gây đau, không chảy máu, không cần khâu, giảm hiện tượng loạn thị, bệnh nhân xuất viện ngay trong ngày. Thủy tinh thể nhân tạo hiện có chất lượng tốt. Mỗi bệnh nhân chỉ cần thay thuỷ tinh thể nhân tạo một lần duy nhất.

Bà Nguyễn Thị Lưu ở thị xã Kinh Môn mổ đục thuỷ tinh thể tại Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương cho biết: "Chỉ vài tiếng sau khi mổ và được tháo băng, đôi mắt của tôi đã có thể nhìn sáng rõ mọi thứ xung quanh, không còn bị mờ, nhoè như trước".

Thuỷ tinh thể giống như một tấm gương trong suốt. Do nhiều yếu tố tác động khiến bộ phận này bị mờ, ánh sáng không lọt được qua. Bệnh đục thuỷ tinh thể gây mờ mắt, thậm chí là bị mù vĩnh viễn nếu không được phẫu thuật kịp thời. Do quá trình già hoá dân số đang diễn ra nhanh nên tỷ lệ người dân Hải Dương mắc căn bệnh này ngày càng nhiều.

Với trang thiết bị hiện đại, nhân viên được đào tạo bài bản, Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương đã làm chủ kỹ thuật trên, giúp hàng nghìn người tìm lại được ánh sáng mỗi năm.

BÌNH MINH