Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân chính gây ra mù loà. Có khoảng 5% dân số Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường. Và có 90% các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm sẽ làm xuất hiện bệnh võng mạc tiểu đường.

1. Võng mạc là gì?

Võng mạc là màng thần kinh mỏng nằm trong cùng của mắt. Võng mạc có chức năng giống như phim trong máy chụp ảnh, nó có tác dụng ghi lại những hình ảnh và sự vật bên ngoài sau đó truyền lên não, nhờ đó mà chúng ta có thể nhận biết được thế giới xung quanh. Khi võng mạc bị bong ra khỏi vị trí bình thường, võng mạc sẽ không được nuôi dưỡng, vì vậy bệnh nhân sẽ bị nhìn mờ, nếu không điều trị bệnh có thể dẫn đến mù một phần hoặc mù hoàn toàn.

2. Bệnh võng mạc đái tháo đường.

https://bizweb.dktcdn.net/100/107/356/files/normal-retina-180px.jpg?v=1518338113456https://bizweb.dktcdn.net/100/107/356/files/diabet-retina-180px.jpg?v=1518338155827

Sự khác nhau giữa mắt bình thường và mắt bị võng mạc tiểu đường

Căn bệnh này là nguyên nhân chính gây ra mù loà. Có khoảng 5% dân số Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường. Và có 90% các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm xuất hiện bệnh võng mạc đái tháo đường, bất kể đái tháo đường phụ thuộc Insulin hay không. Bệnh đái tháo đường gây ra những tổn thương ở mao mạch võng mạc, rồi dẫn đến những tổn thương phù và thiếu máu võng mạc. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm, kịp thời, những tổn thương ở đáy mắt sẽ dẫn đến các tình trạng nặng hơn như phù hoàng điểm, xuất huyết dịch kính, xuất huyết võng mạc, bong võng mạc…và dẫn đến mù lòa.

Triệu chứng thường gặp của bệnh:

- Nhìn mờ: người bệnh thấy mờ đều như sương hoặc nhìn thấy mờ từng đám như có đám mây che trước mắt. Nếu xuất huyết dịch kính nặng, bệnh nhân có thể chỉ còn thấy bóng mờ hoặc cảm giác sáng tối.

- Nhìn hình bị méo: khi quan sát các sự vật, đường thẳng bị cong đi, hình ảnh biến dạng hoặc hình bị nhỏ đi…

- Bị đau nhức khi có tân mạch mống mắt gây ra bệnh glôcôm tân mạch.

- Đục thủy tinh thể thường xuất hiện sớm.

Dấu hiệu võng mạc tiểu đường

Mắt của bệnh nhân bị bệnh võng mạc tiểu đường

3. Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh?

Ở giai đoạn đầu của bệnh có khi bệnh nhân chưa nhìn mờ hoặc nhìn mờ ít nhưng đã xuất hiện những tổn thương ở võng mạc. Do đó khi bị bệnh tiểu đường, bệnh nhân nên đi khám mắt định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Đáy mắt. Bác sĩ sẽ soi đáy mắt, chụp hình màu võng mạc và võng mạc có chích thuốc cản quang để sớm phát hiện các tổn thương trên võng mạc từ đó quyết định có điều trị bằng tia laser hay không. Tại Bệnh viện Mắt và da liễu Hải dương đã triển khai máy chụp võng mạc và chụp cắt lớp võng mạc.

4. Phương pháp điều trị:

Bệnh nhân cần được điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa mắt có đầy đủ trang thiết bị giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Nguyên tắc điều trị bệnh gồm:

+ Điều trị tích cực, đưa chỉ số lượng đường huyết trở về ngưỡng bình thường.

+ Bệnh nhân cần sử dụng các thuốc làm tăng khả năng phân phối oxi đến võng mạc, các thuốc tăng tuần hoàn võng mạc và điều chỉnh tính thấm thành mạch.

+ Điều trị bằng phương pháp tia laser quang đông võng mạc khi mắt xuất hiện vùng thiếu máu võng mạc, phù hoàng điểm.

+ Sử dụng một số loại thuốc tiêm nội nhãn như Avastin, Lucentis nhằm điều trị tân mạch võng mạc. Tiêm thuốc triamcinolon nội nhãn hoặc dưới tenon điều trị phù hoàng điểm dạng nang…

+ Theo dõi, tái khám định kỳ: Bệnh võng mạc đái tháo đường chính là biến chứng của bệnh đái tháo đường nên tình trạng bệnh diễn biến liên tục, đặc biệt là lúc không kiểm soát được hàm lượng đường trong máu. Vì vậy cần phải theo dõi tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.

5. Cách phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường

- Bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường cần phải tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh và tái khám định kỳ hoặc khi có bất thường để ổn định lượng đường trong máu ở mức độ cho phép đồng thời ổn định huyết áp nếu có tiền sử cao huyết áp.

Tác giả: Th.sỹ- Bác sỹ NGUYỄN QUANG MINH